Tràn lan đổi tiền mới online
Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "đổi tiền lẻ",ởrộđổitiềnlìxìtếtNguyênđánCóviphạmphápluậsexlive "đổi tiền mới" trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… ngay lập tức xuất hiện hàng nghìn bài viết quảng cáo về dịch vụ đổi tiền. Các hội, nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới cũng hoạt động sôi nổi với thành viên tham gia đông đảo.
Bên cạnh những lời mời chào hấp dẫn như "phí đổi thấp", "cam kết tiền thật", "tiền nguyên seri", mức chênh lệch cạnh tranh... các chủ tài khoản còn sẵn sàng giao tiền tận nơi và cho kiểm tra trước khi nhận tiền. Việc thỏa thuận giá chênh lệch, mệnh giá tiền cần đổi, số lượng, địa chỉ giao nhận... được trao đổi qua tin nhắn riêng.
Liên hệ với một số tài khoản Facebook quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới, với nhu cầu muốn đổi 10 triệu đồng, một tài khoản có tên H.G.M cho biết tùy vào số lượng và mệnh giá, phí đổi sẽ khác nhau.
Theo đó, tiền có mệnh giá càng nhỏ phí đổi sẽ càng cao. Với tiền 1.000 - 5.000 đồng, phí đổi từ 8 - 15%; tiền 10.000 - 50.000 đồng, phí đổi là 7% và tiền 100.000 - 200.000 đồng, phí đổi 3%. Như vậy, nếu đổi khoảng 1 triệu đồng lấy tiền có mệnh giá từ 1.000 - 5.000 đồng sẽ mất khoảng 80.000 - 150.000 đồng tiền phí. Riêng khách đổi từ 50 triệu đồng trở lên thì giá ưu đãi hơn, từ 2,5 - 4%.
Có thể thấy rằng, tiền mới mệnh giá càng nhỏ, đặc biệt là tiền mới nguyên seri, nguyên cọc được nhiều người kinh doanh khi loại tiền này khá khan hiếm.
"Bên em làm quanh năm, sẵn số lượng lớn, không phải làm theo mùa nên yên tâm. Tiền nhà em loại 1 nguyên dây, nguyên đai. Phí thời điểm hiện tại là rẻ lắm rồi ạ, bác tranh thủ đổi sớm chứ vài hôm nữa tăng ầm ầm nhé", chủ tài khoản H.G.M mời chào.
Không những đổi được với đủ loại mệnh giá, gọi là có ngay, những người bán này còn cung cấp sỉ, lẻ tiền mới số lượng lớn. Thắc mắc về việc trong khi NHNN hạn chế cấp tiền mới cho các ngân hàng, tại sao các đầu mối quảng cáo đổi tiền vẫn có thể cung cấp được số lượng lớn tiền mới, chủ tài khoản T.H cho biết: "Tiền mới được để dành từ năm trước, mỗi khi ngân hàng có tiền mới thì tranh thủ đổi, cất giữ phục vụ khách vào dịp tết".
Cảnh giác trước "bẫy" đổi tiền
Đặc điểm của hoạt động đổi tiền online là thường giao dịch qua mạng xã hội. Khách hàng muốn đổi tiền có thể chuyển khoản từ 30 - 50% tổng số tiền cần đổi, cung cấp địa chỉ, sẽ có người đến tận nơi giao tiền mới và khách hàng thanh toán nốt số tiền còn lại. Một số chủ tài khoản còn giao tiền tận nơi và cho kiểm tra trước khi nhận.
Song, không ít người khi nhận về, cọc tiền bị rút ruột, lẫn tiền cũ, nát và thậm chí là tiền giả. Một tài khoản có tên N.N than thở: "Trước đây tôi thường nhờ người quen đổi hộ tiền mới để mừng tuổi dịp tết. Năm nay do không nhờ đổi được, tôi lên mạng tìm chỗ đổi tiền trước tết để giá rẻ hơn. Đổi 5 triệu đồng tiền 20.000 đồng, tôi chịu phí 350.000 đồng. Tuy vậy, khi đếm lại, tôi thấy thiếu 200.000 đồng và bên trong lõi có nhiều tờ tiền cũ độn vào. Khi gọi điện hỏi người đổi tiền, họ bảo là nhận tiền thì phải kiểm ngay, nếu đã mang về nhà thì tự chịu trách nhiệm. Ai đang có nhu cầu đổi tiền mới thì cảnh giác chứ lừa đảo nhan nhản".
Đáng nói, trong hàng chục triệu kết quả về đổi tiền mới, tiền lẻ trên công cụ tìm kiếm Google, bên cạnh những trang web cung cấp dịch vụ này, cũng có không ít thông tin hoạt động đổi tiền mới, tiền lẻ kiếm lời từ chênh lệch là vi phạm pháp luật với chế tài xử phạt nặng. Tuy nhiên, với lợi nhuận cao, núp bóng công nghệ, dịch vụ đổi tiền biến tướng, ngày càng tinh vi.
Xử phạt từ 40 - 80 triệu đồng
Nói về hành vi này, một lãnh đạo NHNN cho biết, theo điều 12 và điều 13 của Thông tư số 25/2013/TT-NHNN, các hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ của các nhân, tổ chức nhằm hưởng phần trăm chênh lệch đều là hành vi trái pháp luật.
Các hành vi này có thể bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng đối với cá nhân, 40 - 80 triệu đồng đối với tổ chức (theo khoản 5 điều 30 mục 8 chương 2 Nghị định 88/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng).
Về thẩm quyền, trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 40 - 80 triệu đồng thuộc thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc trưởng đoàn thanh tra theo quy định.
Tùy theo mức độ hành vi, có thể tịch thu tang vật. Đơn cử, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng có quyền phạt tiền đến 250 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 500 triệu đồng.
Mới đây, tại chỉ thị về việc bảo đảm đón tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ dịp tết Giáp Thìn năm 2024.
Cạnh đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tổ chức tốt các dịch vụ ngoại hối, tăng cường hoạt động đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán ngoại tệ, đổi tiền… không đúng quy định pháp luật.